Kiểm
toán độc lập đã xuất hiện ở nước ta gần 3 thập niên và vừa qua, ngành kiểm toán
vừa mới tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm rất trang trọng và hoành tráng nên khái niệm
kiểm toán bây giờ đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người, không phải xa lạ
và khó hình dung như ở khoảng cuối thế kỷ trước. Khi đó, người viết là một sinh
viên chuyên ngành kế toán kiểm toán, với mớ lý thuyết học trong nhà trường mà đến
khi ra trường vẫn không biết làm kiểm toán là làm gì. Tuy nhiên, trở nên quen
thuộc không có nghĩa là ai cũng hiểu đúng về kiểm toán, đặc biệt với một đống từ
ngữ chuyên ngành rất khó hiểu trong lĩnh vực này. Vậy nhà quản lý cần những hiểu
biết cơ bản nào về kiểm toán để có thể có quyết định đúng cho mình khi cần đến
dịch vụ kiểm toán?
Bài viết này chỉ
đề cập đến phần ý kiến kiểm toán trong báo cáo của kiểm toán viên độc lập về
báo cáo tài chính, sản phẩm cuối cùng của một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính
được công ty kiểm toán giao cho doanh nghiệp. Thông thường, rất ít chủ doanh
nghiệp vừa và nhỏ hay các nhà quản lý đọc báo cáo này dù đó mới là sản phẩm thật
sự của dịch vụ kiểm toán. Thay vào đó, nhiều người hay nhìn vào báo cáo kết quả
kinh doanh có khác với kết quả của mình không, các chỉ số tài chính thay đổi có
gây bất lợi gì cho công ty không. Thực tế, phần ý kiến của kiểm toán viên mới
chính là phần quan trọng, nêu lên ý kiến của kiểm toán viên về mức độ tin cậy của
báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Hiện giờ, sau khi sửa đổi các chuẩn mực kiểm
toán, ý kiến kiểm toán được chia ra làm 02 dạng chính là chấp nhận toàn phần hoặc
không phải chấp nhận toàn phần. Tuy nhiên, phần lớn các thay đổi của phần này
chỉ mang tính hình thức còn bản chất thì ý kiến kiểm toán vẫn được chia ra làm
04 dạng cơ bản như trước, đó là:
1. Ý kiến
chấp nhận toàn phần: kiểm toán viên đồng ý với báo cáo tài chính của doanh nghiệp
được đính kèm theo báo cáo kiểm toán, điều đó có nghĩa là số liệu báo cáo tài
chính của doanh nghiệp đáng tin cậy, có thể tìn tưởng được, không chứa đựng các
sai sót trọng yếu (còn như thế nào là trọng yếu lại là một vấn đề khác?).
2. Ý kiển
kiểm toán ngoại trừ: kiểm toán viên đồng ý với báo cáo tài chính của doanh nghiệp
được đính kèm, ngoại trừ một số vấn đề được nêu cụ thể kèm theo và ảnh hưởng của
vấn đề đó đến báo cáo tài chính. Với dạng ý kiến này, về cơ bản số liệu báo cáo
tài chính của doanh nghiệp mang tính đúng tương đối, vẫn còn những chỗ tồn tại
hay chưa có cơ sở để khẳng định, có thể làm cho thay đổi trọng yếu báo cáo tài
chính. Mức độ tin cậy của số liệu báo cáo tài chính trong trường hợp này thấp
hơn, nhưng chưa đến mức làm người đọc hiểu sai lệch hoàn toàn vào báo cáo tài
chính của doanh nghiệp.
3. Ý kiến
kiểm toán trái ngược: kiểm toán viên không đồng ý với báo cáo tài chính của
doanh nghiệp được đính kèm (ngược lại với ý kiến chấp nhận toàn phần), bởi vì một
số vấn đề được nêu cụ thể kèm theo và những ảnh hưởng của vấn đề đó đến báo cáo
tài chính. Với dạng ý kiến này, số liệu báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoàn
toàn không có ý nghĩa, không tin cậy được.
4. Từ chối
đưa ra ý kiến: kiểm toán viên từ chối nêu ý kiến về báo cáo tài chính của doanh
nghiệp do không có đủ cơ sở để đưa ra ý kiến hay nói cách khác là không thu thập
được đủ bằng chứng kiểm toán, bởi vì một số vấn đề được nêu cụ thể kèm theo và
những ảnh hưởng của vấn đề đó đến báo cáo tài chính. Với dạng ý kiến này, báo
cáo tài chính của doanh nghiệp có thể tin cậy hoặc không, có thể đúng hoặc sai,
khả năng như 50 – 50 và không biết chắc chắn được.
Như vậy, tùy thuộc
vào kết quả của cuộc kiểm toán thế nào, kiểm toán viên sẽ gói gọn lại giá trị,
kết quả làm việc trong phần ý kiến của mình về báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Đương nhiên, phụ thuộc vào năng lực của nhóm kiểm toán, kiểm toán viên sẽ có
các tư vấn, góp ý khác cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng phần kết
quả chính vẫn là nêu ý kiến kiểm toán.
Bài viết này chỉ hướng đến đối tượng là các nhà quản
lý, các doanh nhân không có nhiều kiến thức về kiểm toán, chưa để ý đến phần ý
kiến kiểm toán khi sử dụng dịch vụ kiểm toán ở doanh nghiệp mình. Do đó, bài viết
được trình bày với từ ngữ sao cho bình dân, dễ hiểu, tránh dùng các thuật ngữ
chuyên ngành cũng như các khái niệm như trọng yếu, lan tỏa, giới hạn phạm vi…
đi sâu vào chi tiết khác.
(Hình ảnh minh họa từ Internet)