TÀI CHÍNH: GIAO DỊCH NGOẠI HỐI – CÁC NGHIỆP VỤ PHÁT SINH RỦI RO TỶ GIÁ

  • 17/06/2016 12:19:08
  • Nguyễn Phan Dương Nguyễn, AC&C

Trong bài viết trước, người viết đã đưa ra bản chất cũng như cơ sở tính toán của điểm kỳ hạn. Vậy khi nào thì doanh nghiệp cần thực hiện hợp đồng ngoại tệ có kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá? Câu trả lời là bất cứ khi nào có nghiệp vụ giao dịch bằng ngoại tệ với số tiền đủ lớn theo đánh giá của từng doanh nghiệp mà nên thực hiện.

Thông thường, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có các nghiệp vụ phát sinh rủi ro tỷ giá phổ biến có thể được liệt kê như sau đây:
- Nhập khẩu (mua) máy móc thiết bị, hàng hóa để đầu tư hoặc tiêu thụ nội địa;
- Nhận (mua) cung cấp dịch vụ từ đối tác nước ngoài;
- Xuất khẩu (bán) hàng hóa;
- Cung cấp dịch vụ cho các đối tác nước ngoài;
- Vay vốn từ đối tác/ngân hàng nước ngoài hoặc vay vốn ngoại tệ từ ngân hàng trong nước (đang áp dụng với các doanh nghiệp xuất khẩu);

Khi đó, trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ có các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (phải thu, phải trả, vay, tiền) đồng thời có thể phát sinh rủi ro từ biến động tỷ giá của các khoản mục ngoại tệ này. Các rủi ro này là không chắc chắn và có thể ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực (thay vì rủi ro lại chuyển thành mang lại lợi ích và có thể có lời thêm) hay tiêu cực (gây tổn thất) đối với lợi nhuận của doanh nghiệp. Ở đây, ta bỏ qua yếu tố không chắc chắn về ảnh hưởng tích cực mà chỉ quan tâm đến ảnh hưởng tiêu cực (rủi ro có thể xảy ra) để hướng tới việc loại trừ những thiệt hại bất ngờ ngoài dự đoán cho doanh nghiệp. Trong bài viết này, người viết sẽ phân tích 01 nghiệp vụ nhập khẩu để cho mọi người thấy rõ ảnh hưởng của rủi ro tỷ giá như thế nào.

Ví dụ ngày 31/05/2016, Công ty A nhập khẩu một lô hàng X trị giá 100 ngàn USD để tiêu thụ trong nước, thời hạn thanh toán chậm là 60 ngày. Lô hàng này gồm 1.000 cái với đơn giá mỗi cái là 100 USD. Tỷ giá USD/VND tại ngày 31/05/2016 là 22.400. Giả sử bỏ qua yếu tố biến phí và định phí tiêu thụ bình quân của sản phẩm, Công ty A nhận thấy có thể bán hàng thu tiền ngay và sẽ bán hết toàn bộ sản phẩm trước ngày 20/07/2016. Do vậy, Công ty A quyết định bán sản phẩm với giá bán là 2,3 triệu. Khi đó, mỗi sản phẩm Công ty A có lãi 60 ngàn, tổng lô hàng sẽ có lãi là 60 triệu VND. Ở đây ta cũng không xét đến các giả định quay vòng vốn hay đầu tư vào kênh khác để sinh lời. Ngày 25/07/2016, VND bị phá giá 3%, khi đó tỷ giá USD/VND sẽ là 23.072, nghĩa là 1USD đắt lên thêm 672VND, để trả nợ 100 ngàn USD cho nhà cung cấp vào 30/07/2016, Công ty A phải mua từ Ngân hàng với tỷ giá mới này. Số tiền tính tương ứng cho 1 sản phẩm mà Công ty A thực tế phải trả sẽ là 2.307.200VND, so với giá bán 2,3 triệu, Công ty A lại bị lỗ 7.200 đồng/sản phẩm. Kết quả trên bởi vì Công ty A có lãi 60 ngàn/sản phẩm khi nhập hàng về bán nhưng lại bị lỗ do biến động tỷ giá 67.200 VND/sản phẩm do đồng VND mất giá 3% khi thanh toán.

Khi đó, để loại trừ rủi ro này, Công ty A có thể thực hiện như sau. Ngày 31/05/2016, khi nhập hàng về, đồng thời Công ty A ký 01 hợp đồng mua 100 ngàn USD cho kỳ hạn 60 ngày với Ngân hàng. Cụ thể, giả sử lãi suất cho vay VND là 10%, lãi suất tiền gửi USD là 1%, ta có thể tính điểm kỳ hạn chuẩn là 336đ (22.400*(10%-1%)*60/360*100). Thông qua hợp đồng này, Ngân hàng sẽ chốt tỷ giá bán 100 ngàn USD cho Công ty A tại ngày 30/07/2016 là 22.736. Khi đó, với giá bán mỗi sản phẩm là 2,3 triệu, Công ty A sẽ có lời 26.400đ/sản phẩm.

Ở đây, ta thấy số tiền lãi này ít hơn so với số tiền lãi ban đầu dự tính (60 ngàn) do phải chịu phí forward (xem như là phí bảo hiểm cho rủi ro này) nhưng sẽ là an toàn và chắc chắn. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường của nhiều người hiện nay, khi thực hiện nghiệp vụ này, trường hợp tại ngày 30/07/2016, nếu tỷ giá thực tế lớn hơn 22.736, Công ty A đã có lời khi thực hiện, nếu tỷ giá thực tế nhỏ hơn 22.736, Công ty A bị lỗ khi thực hiện. Cách hiểu này không hoàn toàn chính xác nên dẫn đến ít có doanh nghiệp thực hiện nghiệp vụ này. Thay vào đó, cách hiểu đúng phải là loại trừ rủi ro và lời hay lỗ phải xác định trên cở sở toàn bộ doanh thu và chi phí liên quan đến nghiệp vụ thương mại chứ không phải xét riêng cho nghiệp vụ tỷ giá.

Thực tế, sẽ có nhiều người đặt câu hỏi tại sao phải làm điều phức tạp này khi mà rủi ro không chắc sẽ xảy ra và xác suất để có thể có lời thêm như phân tích ở trên vẫn là 50-50? Điều quyết định chính là khả năng loại trừ rủi ro không thể kiểm soát khi áp dụng, biến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ chỗ không an toàn (nôm na như đánh bạc) thành an toàn, dù có thể lợi nhuận ít đi. Lúc đó, khi sử dụng công cụ này, thêm một lợi ích rõ nhất của nó là ngay từ khi lên phương án kinh doanh hay nhập hàng, doanh nghiệp đã lượng hóa trước được ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá để có thể cơ cấu phần này vào giá bán sản phẩm của mình. Giả sử với ví dụ trên, Công ty A vẫn kỳ vọng mỗi sản phẩm vẫn lãi 60 ngàn, lúc này giá bán sản phẩm phải là 2,3336 triệu chứ không phải là 2,3 triệu như ban đầu. Trên cơ sở đó, Công ty A có thể đánh giá phương án của mình có khả thi không, giá bán có phù hợp không, khách hàng có chịu mua hàng hay không. Những thông tin này như là thông tin rất cần thiết để ra quyết định hợp lý nhất cho việc sản xuất kinh doanh hàng ngày.

Ngược lại, nếu Công ty A không sử dụng việc bảo hiểm tỷ giá, Công ty A có thể có lời nhiều hơn nếu đồng VND không mất giá vào ngày 25/07/2016 như ví dụ trên mà lại tăng giá thêm (tỷ giá giảm xuống) hoặc chỉ lời ít lại so với mức kỳ vọng ban đầu nhưng chưa đến mức phải lỗ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, số lời hay lãi này là không chắc chắn và doanh nghiệp cũng không xây dựng được phương án phù hợp khi lên kế hoạch kinh doanh trước đó, hoàn toàn đặt cược vào biến động của thị trường ngoại hối. Việc thực hiện những điều này phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp vì cuối cùng vẫn là “high risk, high return”. Việc quyết định thế nào của mỗi doanh nghiệp tùy thuộc vào doanh nghiệp đó có quan tâm loại bỏ bớt những rủi ro như thế này có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình hay không, để có thể hướng đến chiến lược dần dần phát triển ổn định và bền vững hay không?

(Hình ảnh minh họa từ Internet)

‪#‎taichinh‬, ‪#‎ngoaihoi‬, ‪#‎forex‬, ‪#‎finance‬, ‪#‎forwardcontract‬, ‪#‎nguyennguyen‬