PHÂN TÍCH BÁO CÁO TÀI CHÍNH: THỦ THUẬT GÓP VỐN ẢO

  • 03/06/2016 12:04:57
  • Nguyễn Phan Dương Nguyễn, AC&C


Một vấn đề hay gặp trong thực tế khi nhìn vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta (kể cả một số các doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp bất động sản có những dự án lớn) là giá trị tổng tài sản và vốn chủ sở hữu rất cao. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn hay có hiểu biết cơ bản về báo cáo tài chính, ta dễ dàng thấy được khả năng thanh toán của những doanh nghiệp này rất thấp hoặc dòng tiền cực kỳ rủi ro mà nếu dùng các chỉ số tài chính theo lý thuyết thông thường sẽ khó nhận ra, nguyên nhân là đã có một vài thủ thuật kế toán phổ biến trong quá trình lập các báo cáo tài chính này. Sẽ có rất nhiều nguyên nhân và thủ thuật khác nhau, các thủ thuật này có thể được xem là gian lận trong việc lập báo cáo tài chính dù mọi thứ về mặt hồ sơ, chứng từ đều phù hợp cũng như có thể báo cáo tài chính đã được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần. Trong phạm vi bài này người viết chỉ tập trung phân tích vào thủ thuật thường gặp nhất là góp vốn ảo bằng tiền, để mọi người chú ý phân tích và ra quyết định khi đầu tư hay hợp tác với một doanh nghiệp nào đó mà mình cần đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Thông thường, vốn điều lệ đăng ký trong giấy phép kinh doanh được yêu cầu ở một mức tối thiểu nào đó theo đặc thù của ngành nghề, hoặc do doanh nghiệp muốn chứng minh tình hình tài chính của doanh nghiệp mình tốt. Tuy nhiên, việc góp vốn thực tế thường không đủ nhưng trên báo cáo tài chính vẫn phản ánh đủ số vốn góp này. Một thủ thuật thông thường mà lâu nay các doanh nghiệp hay sử dụng là ghi nhận một khoản vốn góp bằng tiền mặt ảo (chủ doanh nghiệp không có bỏ tiền ra), từ đó dẫn đến số dư vốn góp và tiền mặt trên báo cáo đều là số ảo (vẫn có thể có biên bản kiêm kê đủ số tiền này định kỳ), dấu hiệu dễ thấy nhất là số dư tiền mặt ở các doanh nghiệp này rất cao. Những năm gần đây, để hợp lý hơn, khoản vốn ảo này có thể là một khoản phải thu khác (thông thường dưới dạng cho mượn tiền và đối tượng của các khoản phải thu này chính là các chủ sở hữu của doanh nghiệp), một khoản góp vốn đầu tư vào công ty con, một khoản tạm ứng cho nhân viên… Do đó, để có một quyết định kinh doanh như đầu tư hay hợp tác với các công ty, ta phải làm rõ khả năng thu hồi của những khoản mục đặc biệt này trong báo cáo tài chính để xác định rõ giá trị hợp lý cũng như tính thanh khoản của doanh nghiệp.

Từ năm 2012, việc góp vốn bằng tiền mặt bị hạn chế (theo cách hiểu hiện tại thì chỉ còn cho phép cá nhân góp vốn bằng tiền mặt, pháp nhân phải góp vốn qua ngân hàng), do đó, giả sử như vốn điều lệ đăng ký là 5 tỷ, một chủ sở hữu là pháp nhân chỉ có 500 triệu sẽ thực hiện việc góp vào và rút ra 10 lần qua ngân hàng để đạt được số vốn đăng ký. Như đã nói ở trên, khoản vốn ảo này cũng sẽ nằm dưới dạng tiền mặt, phải thu khác, tạm ứng hay thậm chí lại là một khoản đầu tư vào công ty cháu trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Thủ thuật góp vốn ảo này có thể tiềm ẩn những rủi ro sau đối với cả đối tác của doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp đó:

- Phản ánh sai lệch về tình hình tài chính của doanh nghiệp, thường thấy một số doanh nghiệp có chỉ số tài chính rất đẹp nhưng phá sản hay mất khả năng thanh toán đột ngột;
- Bị phạt hành chính vì cố tình làm sai lệch báo cáo tài chính, không thực hiện đúng quy định của pháp luật;
- Chi phí lãi vay (nếu có sử dụng vốn vay) bị loại trừ khỏi chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Nhìn xa hơn, việc này xem như doanh nghiệp hoạt động không minh bạch, đánh mất niềm tin của nhiều đối tác dẫn đến khó có thể phát triển bền vững.

Trong thực tế, vì các nguyên nhân chủ quan hay khách quan mà một số doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng thủ thuật này nhưng chưa có rủi ro hay gây ảnh hưởng gì cho đối tác của mình, tuy nhiên, đây là một phân tích và góc nhìn riêng của người viết để mọi người nếu trong tình huống này có những nhận thức và đánh giá riêng hợp lý hơn, tránh những tổn thất có thể xảy ra sau này.
(Hình ảnh từ Internet)