TÀI CHÍNH: GIAO DỊCH NGOẠI HỐI - HIỂU THÊM VỀ ĐIỂM KỲ HẠN (FORWARD RATE)

  • 10/06/2016 17:19:30
  • Nguyễn Phan Dương Nguyễn, AC&C

 


 

Trong một bài viết trước, người viết đã giới thiệu một phương pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có phát sinh ngoại tệ bởi biến động tỷ giá (ở đây đề cập đến tỷ giá giữa VND và USD hay thường gặp ở các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu) là bảo hiểm giá (hedging), trong đó có nói đến các hợp đồng giao dịch ngoại tệ có kỳ hạn với các ngân hàng. Trong phạm vi bài viết này, người viết đề cập đến một khái niệm khi thực hiện các hợp đồng này là điểm kỳ hạn để mọi người hiểu hơn về giao dịch kỳ hạn cũng như cách tính điểm kỳ hạn để có thể thương lượng với ngân hàng khi thực hiện các nghiệp vụ này. Bài này cũng tương đối khó hiểu cho những ai không có học về tài chính hay trải nghiệm thực tế về các giao địch ngoại hối, người viết có gắng trình bày sao cho dễ hiểu nhất về bản chất nhưng không dám chắc là sẽ truyền tải được hết nội dung. Ngoài chuyện nhà nước đang điều hành tỷ giá theo định hướng ít biến động (rủi ro từ tỷ giá không nhiều), đây cũng là một trong vài nguyên nhân chính mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam có nghiệp vụ xuất nhập khẩu thực hiện nghiệp vụ này trong khi đối với các công ty nước ngoài, việc này cực kỳ quan trọng trong chính sách quản lý rủi ro.

 

Hợp đồng giao dịch ngoại tệ có kỳ hạn là một thỏa thuận giữa doanh nghiệp với một ngân hàng (hoặc tổ chức tài chính nào đó được phép) để mua/bán một lượng đồng ngoại tệ (USD) xác định để đối lấy một lượng đồng nội tệ (VND) hoặc đồng tiền khác tại một tỷ giá được xác định tại ngày thỏa thuận và ngày giá trị có hiệu lực là một ngày trong tương lai, gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tác giao dịch, loại ngoại tệ, số lượng ngoại tệ, tỷ giá kỳ hạn, ngày giao dịch, kỳ hạn, ngày hiệu lực, phương thức thanh toán… Ví dụ: Ngày 31/05/2016, Công ty X ký một HĐ giao dịch kỳ hạn với Ngân hàng A thỏa thuận sẽ bán một lượng USD là 500 ngàn cho Ngân hàng A vào ngày 30/06/2016 với tỷ giá kỳ hạn tại ngày đó là 22.512. Như vậy, kỳ hạn của HĐ này là 30 ngày với tỷ giá bán 500 ngàn USD vào ngày 30/06/2016 đã được chốt trước là 22.512 vào ngày 31/05/2016 là ngày giao dịch.

 

Khi đó, tỷ giá kỳ hạn 22.512 sẽ được xác định bởi tỷ giá giao ngay (tỷ giá tại ngày thỏa thuận là 31/05/2016) và điểm kỳ hạn. Điểm kỳ hạn sẽ được xác định trên cơ sở như sau: (Tỷ giá giao ngay * Chênh lệch lãi suất * Số ngày kỳ hạn)/360*100.

 

Ví dụ: ngày 31/05/2016, tỷ giá giao ngay USD/VND là 22.400, lãi suất tiền gửi VND là 8%, lãi suất cho vay USD là 2%. Về bản chất, tại ngày 31/05/2016, khi có 01 KH muốn bán 1USD kỳ hạn 30 ngày cho Ngân hàng, có nghĩa là Ngân hàng sẽ có được 1USD và trả ra VND vào ngày 30/06/2016. Vì vậy, Ngân hàng sẽ đi vay 1USD thời hạn 30 ngày và đem bán được 22.400VND đi gửi kỳ hạn 30 ngày. Khi đến này 30/06/2016, Ngân hàng sẽ thu về tiền VND từ việc gửi tiền VND để thực hiện hợp đồng với khách hàng đồng thời nhận 1USD từ khách hàng để trả nợ vay USD. Khi đó, vị thế (position) USD và VND của Ngân hàng tại ngày 30/06/2016 sẽ cân bằng về lại 0. Đó chính là bản chất của nghiệp vụ này khi ngân hàng thực hiện nghiệp vụ giao dịch ngoại hối và là căn cứ để tính điểm kỳ hạn hay xác định tỷ giá kỳ hạn. Trong trường hợp này, điểm kỳ hạn sẽ được tính như sau: (22.400*(8%-2%)*30)/360*100 = 112 điểm nên tỷ giá kỳ hạn 30 ngày xác định vào ngày 30/06/2016 sẽ là 22.400+112=22.512. Nếu thực hiện nghiệp vụ như thế này, Ngân hàng sẽ không có bất kỳ khoản lời/lỗ nào vì Ngân hàng nhận được lãi tiền gửi VND là 149VND (22.400*8%*30/360*100), trả lãi vay USD là 37VND (1*2% *30*22.400/360*100), phần chênh lệch 112VND (149-37) dùng để trả vào tỷ giá kỳ hạn cho khách hàng. Tương tự, Ngân hàng sẽ thực hiện nghiệp vụ ngược lại khi có khách hàng muốn mua 1USD kỳ hạn 30 ngày.

 

Qua đoạn trên, ta thấy điểm kỳ hạn sẽ chịu ảnh hưởng của 03 yếu tố là tỷ giá giao ngay, lãi suất đồng USD và lãi suất đồng VND, tùy thuộc vào nghiệp vụ mua hay bán ngoại tệ mà đó sẽ là tỷ giá mua hay bán, lãi suất tiền gửi hay lãi suất cho vay. Các yếu tố này sẽ khác nhau giữa các ngân hàng hay cùng ngân hàng nhưng khác kỳ hạn. Trong thực tế, cách tính trên là cách ngân hàng tính điểm kỳ hạn chuẩn, tùy theo cung cầu USD ở thị trường và chi phí hoạt động của mình cũng như các yếu tố tỷ giá giao ngay, lãi suất, Ngân hàng sẽ chào mức điểm kỳ hạn khác nhau với doanh nghiệp khi có nhu cầu thực hiện hợp đồng giao dịch ngoại tệ có kỳ hạn và doanh nghiệp có quyền thương lượng việc này. Đó cũng là lý do có các mức chào điểm kỳ hạn khác nhau của các ngân hàng hoặc của cùng ngân hàng cho các kỳ hạn khác nhau (nếu tính bình quân số điểm kỳ hạn theo ngày). Và nghiệp vụ này cũng là một nghiệp vụ kinh doanh để có thể mang lãi cho ngân hàng khi thực hiện đồng thời các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối của mình.

 

Qua bài này, một thông điệp khác nữa là doanh nghiệp luôn có thể thương lượng điểm kỳ hạn với ngân hàng khi thực hiện nghiệp vụ giao dịch ngoại hối kỳ hạn nếu mình hiểu rõ được cơ sở của việc tính toán yếu tố này, không nên mặc định nghĩ rằng điểm kỳ hạn do ngân hàng đưa ra là sẽ rất khó thương lượng hoặc đã được cố định không thể thay đổi, cũng như trong việc thực hiện các nghiệp vụ khác với ngân hàng như đi vay, đàm phán các điều khoản. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ/giám đốc doanh nghiệp thường hay có mặc cảm vị thế của mình thấp hơn ngân hàng, cần ngân hàng hỗ trợ và mặc nhiên chấp nhận những đề xuất từ ngân hàng mà không có bất kỳ sự thương lượng nào trước khi đi đến thỏa thuận.

 

Qua bài viết sau người viết sẽ nêu ra trường hợp cụ thể khi nào cần thực hiện nghiệp vụ này và lợi ích như thế nào để mọi người tham khảo.

(Hình ảnh minh họa từ Internet)

 

#taichinh, #ngoaihoi, #forex, #finance, #forwardcontract, #nguyennguyen